Bắc Tân Uyên, Bình Dương mở thêm 8 cụm và 6 khu công nghiệp 3.356 ha
Tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch mở thêm 8 cụm và 6 khu công nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng toàn bộ vùng huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.
Bắc Tân Uyên là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương có diện tích 40.030 ha, bao gồm 2 thị trấn và 8 xã. Hiện nay, dân số của huyện chưa được 100.000 người. Quy hoạch đến năm 2030, dân số tại đây có thể tăng 180.000 – 250.000 người, và đến năm 2040 có thể tăng đến 300.000 người.
Trong tương lai, huyện Bắc Tân Uyên sẽ là vành đai kinh tế công nghiệp, đô thị dịch vụ của tỉnh Bình Dương.
Quy hoạch xác định công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng chính của huyện Bắc Tân Uyên. Sắp tới, địa phương này sẽ chú trọng vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thiết bị công nghiệp, thiết bị điện tử viễn thông, công nghiệp và kỹ thuật hóa học, các máy móc hiện đại. Phát triển công nghiệp sinh thái tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Đưa công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong kinh tế.
Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện nay có 3 khu công nghiệp hoạt động (khu công nghiệp Đất Quốc, khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp VSIP II) và đang xây dựng khu công nghiệp VSIP III.
Để phát triển công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng thêm 8 cụm công nghiệp và 6 khu công nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên với tổng diện tích 3.356 ha.
Xã Tân Định sẽ xây dựng 5 cụm công nghiệp, xã Tân Mỹ xây dựng 3 cụm công nghiệp tổng diện tích 582 ha.
Xã Bình Mỹ sẽ xây dựng khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 rộng 591 ha và khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 4 rộng 770 ha. Xã Tân Lập xây dựng khu công nghiệp Tân Lập I rộng 200 ha, khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 2 rộng 425 ha, khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 3 rộng 288 ha. Xã Tân Mỹ xây dựng khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 5 rộng 500 ha.
Huyện Bắc Tân Uyên cũng sẽ xây dựng các trung tâm logistics mới, cảng cạn kết nối với đường Vành đai TPHCM 4 và sân bay Long Thành để phát triển công nghiệp.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, tính đến nay các khu công nghiệp ở Bình Dương đã cho thuê 7.080 ha đất công nghiệp và có tỉ lệ lấp đầy là 93,77%.
Khu công nghiệp nhỏ nhất ở Bình Dương là khu công nghiệp Bình Đường (thành lập từ năm 1993) thuộc thành phố Dĩ An với diện tích 16,5 ha. Khu công nghiệp rộng nhất ở Bình Dương là khu công nghiệp Bàu Bàng (thành lập từ năm 2005) thuộc huyện Bàu Bàng với diện tích 2.000 ha.
Động lực để Bình Dương tiếp tục phát triển các khu công nghiệp đó là doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đăng ký rót vốn đầu tư vào Bình Dương. Các doanh nghiệp cần đất sạch, hạ tầng kết nối tốt để xây dựng nhà máy sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đang triển khai đề án di dời nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp ở phía Nam vào trong các khu công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp mới tại Bình Dương.